• :
  • :
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Sở khoa học và công nghệ tỉnh Lai Châu
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ, trong đó quyền được tham gia vào đời sống chính trị. Thậm chí, trước lúc đi xa, Người không quên để lại di huấn cho toàn đảng phải chăm lo cho phụ nữ. Thực hiện lời di huấn đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đề ra nhiều chủ trương, chính sách tăng cường sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong khu vực công.

anh tin bai

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, tháng 6/2023)

Sự tham gia đời sống chính trị của phụ nữ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Việc đảm bảo quyền của phụ nữ trong xã hội là yêu cầu khách quan, bởi vì “phụ nữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Để đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến phát triển công tác cán bộ nữ. Điều đó được thể hiện sau những ngày đầu độc lập, trong lời kêu gọi chống giặc dốt năm 1945, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng được Hồ Chí Minh nhắc đến trong công tác xóa giặc dốt; bởi vì, Bác cho rằng “phụ nữ lại càng phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”. Điều này ngụ ý rằng, phụ nữ muốn có quyền bình đẳng với nam giới thì cần phải ra sức học tập để nâng cao trình độ và vị trí của họ trong gia đình và xã hội. Không ai khác trao quyền cho phụ nữ mà chính họ là người phải tự khẳng định và trao quyền cho mình. Người đã động viên “chị em phải cố gắng học tập, học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định sẽ làm được”.

Bên cạnh đó, Bác luôn nghiêm khắc đối với sự quan tâm không đầy đủ đến công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ nữ. Tại buổi nói chuyện ở Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo huyện, Bác đã nghiêm túc phê bình rằng, “cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót của Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là sai”. Không dừng lại ở đây, Bác còn chỉ ra sự bất cân bằng trong công tác đào tạo cán bộ nữ ở các ngành. Trong buổi nói chuyện ở lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp II ngày 12/6/1956, Bác nói “trên 350 mà chỉ có 20 phụ nữ thì ít quá. Giáo dục phải cố gắng để có phụ nữ hơn nữa. Trừ cải cách ruộng đất, cán bộ nữ được đào tạo nhiều, trong giáo dục, y tế và các ngành khác số phụ nữ đều thấp. Nam nữ như thế đã bình đẳng chưa? Các cô phải cố gắng”.

Chính vì thế, Hồ Chí Minh là một trong những người luôn đặt ra yêu cầu bình đẳng nam nữ và sự đóng góp của phụ nữ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để có cơ hội đó, một mặt bản thân người phụ nữ phải nỗ lực; mặt khác, phải có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, của nam giới “các đồng chí hãy thật sự chữa bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô phải biết đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì đồng chí có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa”. Do đó, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người đã biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh của phụ nữ và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ rằng “trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Thực hiện lời di huấn của Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11 về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới nhằm đảm bảo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào hoạt động lãnh đạo, quản lý. Gần đây, Ban bí thư đã ban hành chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả, bền vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phụ nữ đã nêu trong Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ”[i].

Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật đảm bảo bình đằng giới trong chính trị như Luật bình đẳng giới năm 2007, Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015; Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo điều kiện cho phụ nữ khi tham gia lãnh đạo, quản lý.

 Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đảm bảo phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong khu vực công đã đạt được kết quả quan trọng như sau:

Về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ phụ nữ trong Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 ở cấp Trung ương là 8,5%; cấp tỉnh là 16,0%; cấp huyện 20,1% và cấp xã là 25,6%. Trong khi tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cấp trung ương có xu hướng giảm thì cấp tỉnh trở xuống đều có xu hướng tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020[ii].

Về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, trong 20 năm qua, phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội dao động từ 24,0%- 27,0%. Tỷ lệ tham gia Quốc hội của phụ nữ luôn cao hơn tỷ lệ tham gia của họ trong Chính phủ và các ban của Đảng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội cao nhất kể từ năm 1976, đạt ngưỡng ‘tới hạn’ 30%. Việt Nam hiện được đánh giá cao hơn mức trung bình toàn cầu và khu vực châu Á về tỷ lệ phụ nữ trong Nghị viện, lần lượt là 25,2% và 20,6%[iii].

Về phụ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp ở nhiệm kỳ 2021-2026: cấp tỉnh là 29,0%; cấp huyện là 29,1% và cấp xã là 28,98%. Nhìn chung, tỷ lệ này ở các cấp đều có xu hướng tăng lên so với các nhiệm kỳ trước đó[iv].

anh tin bai

 (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các nữ đại biểu Quốc hội bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV)

Như vậy, sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới về lĩnh vực chính trị đã đạt được là rất quan trọng. Mặc dù vậy, khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị vẫn còn khá lớn. Chính vì thế, thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Để làm được điều đó, một số biện pháp được đề xuất như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các quy định đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Sự quan tâm hoặc thiếu quan tâm của người đứng đầu đều tác động mạnh mẽ đến kết quả thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Do đó, cần đưa các tiêu chí bình đẳng giới trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch là rất cần thiết, bởi thực hiện đều này sẽ khiến cho lãnh đạo quan tâm đến bình đẳng giới hơn.

Thứ hai, cụ thể hóa của việc cam kết đó chính là cần thể hiện qua các kế hoạch hành động và việc làm cụ thể nhằm tang cường sự tham chính của phụ nữ. Các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, hành động về thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện cơ quan đơn vị, địa phương của mình. Tích cực lồng ghép giới vào trong xây dựng các kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thứ ba, rà soát và hoàn thiện các quy định thiếu tính nhạy cảm giới. Nghiên cứu một cách nghiêm túc các quy định liên quan đến bình đẳng giới và đánh giá tác động của quy định đó đến thực hiện đảm bảo cơ hội cho cán bộ nữ. Rà soát những quy định chưa thể hiện tính quyết tâm trong thực hiện bình đẳng giới; tăng cường phối hợp giữa các bên có liên quan trong xây dựng và thực hiện các quy định liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Tăng lồng ghép giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Các tiêu chí liên quan bình đẳng giới cần được cụ thể và lượng hóa hơn.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ nữ: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến công tác cán bộ nữ, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Xây dựng các công cụ giám sát một cách cụ thể hơn. Phát huy vai trò của các tổ chức có chức năng giám sát trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Kinh nghiệm cho thấy ở các cơ quan làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì hiệu quả công tác cán bộ nữ và tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo có xu hướng cao hơn.

Thứ nămtruyền thông bình đẳng giới để xóa bỏ định kiến giới. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông bình đẳng giới đến với mọi tầng lớp nhân dân, bởi định kiến giới của cử tri có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ, tỷ lệ tham chính của phụ nữ. Nội dung truyền thông phù hợp với nhận thức của quần chúng nhân dân. Truyền thông xây dựng hình ảnh của lãnh đạo nữ trên các diễn đàn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp…


 

[i] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG.Sự thật, Hà Nội, trang 169

[ii] Autralian Aid, ADB, ILO và UW (2021), Tổng quan Bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, Hà Nội, tr.157.

[iii] Autralian Aid, ADB, ILO và UW (2021), Tổng quan Bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, Hà Nội, tr.158.

[iv] Autralian Aid, ADB, ILO và UW (2021), Tổng quan Bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, Hà Nội, tr.161.

Nguồn https://danguykhoi.laichau.gov.vn/hoc-tap-va-lam-theo-loi-bac/thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-binh-dang-gioi-trong-linh-vuc-chinh-tri-612493


Tin liên quan

Tin nổi bật