• :
  • :
Chào mừng Đại hội Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ, Nhiệm kỳ 2025 - 2030
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Lai Châu năm 2025

 Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cấp cơ sở; phấn đấu chỉ số PAPI của tỉnh Lai Châu được duy trì, giữ vững và cải thiện thứ hạng trong năm 2025, tăng ít nhất 01 bậc so với năm 2024, đặc biệt là tập trung đề ra các giải pháp khắc phục các chỉ số bị tụt hạng, giảm điểm trong năm 2024; Phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách; thực hiện có hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính hằng năm của tỉnh theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra. Ngày 31/3, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1331/KH-UBND về việc Cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và  hành chính công (PAPI) của tỉnh Lai Châu năm 2025.

NỘI DUNG THỰC HIỆN

 1. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp để duy trì và nâng cao các chỉ số được đánh giá tăng và giảm trong năm 2024, cụ thể: 

1.1. Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”.

 a) Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh; tạo điều kiện cho Nhân dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện; được phản ánh, kiến nghị, tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của địa phương. 

 b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào các nội dung dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương chính sách của tỉnh, của địa phương liên quan trực tiếp đến người dân; kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;  

c) Triển khai thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia, nhất là các nội dung như: Vận động nhân dân tự nguyện tham gia, đóng góp kinh phí xây dựng mới, sửa chữa công trình công cộng; công khai các khoản đóng góp tự nguyện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp dưới sự giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bầu cử các chức danh trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cơ sở...  

1.2. Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”: 

 a) Đẩy mạnh việc công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các hình thức phù hợp khác để người dân thuận lợi trong việc tra cứu và sử dụng thông tin theo quy định; công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, trực tiếp đối thoại với nhân dân để lấy ý kiến tham gia vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước tại địa phương; 

 b) Thực hiện điều tra, rà soát, bình xét và công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thời gian, cách thức thực hiện và đối tượng. Kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực trạng đời sống của Nhân dân, không bỏ sót hộ nghèo, hộ cận nghèo, không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương. Công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; địa điểm sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư... đảm bảo quy định về thời gian công khai, nội dung công khai, địa điểm công khai. Công khai đầy đủ, kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để Nhân dân biết, Nhân dân bàn, giám sát thực hiện; 

 c) Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Bảo đảm việc niêm yết công khai danh mục thu, chi cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát;  

d) Thực hiện đúng quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tiếp thu đầy đủ, giải trình, thông tin kịp thời, xem xét điều chỉnh và công khai để người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Thực hiện điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất; kịp thời cập nhật, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất đã được phê duyệt tại Trụ sở cơ quan và cổng thông tin điện tử của UBND các cấp (theo đúng thẩm quyền) và Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh. Thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở cấp cơ sở để đánh giá và chấn chỉnh công tác triển khai thực hiện tại địa phương.

1.3. Chỉ số nội dung “Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân”:  

a) Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các văn bản hướng dẫn, thi hành. 

 b) Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các chức danh không chuyên trách ở cấp xã; Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ Bí thư, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận, các Đoàn thể ở thôn, tổ dân phố; đại biểu HĐND cấp xã; củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân đối với cán bộ UBND cấp xã, đại diện các tổ chức đoàn thể, đại biểu HĐND cấp xã, nâng cao chất lượng giải trình với người dân. 

 c) Thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân; các cấp, các ngành chủ động và tích cực hơn trong việc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; tăng cường trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý để khắc phục và nâng cao trách nhiệm trong việc giải trình đối với người dân.  UBND cấp xã phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án, chương trình đầu tư trong cộng đồng. Bố trí địa điểm tiếp công dân, xây dựng và niêm yết lịch tiếp công dân cụ thể theo ngày, giờ, tên, số điện thoại người tiếp công dân; rà soát hệ thống sổ sách ghi chép, sổ theo dõi công tác tiếp công dân đảm bảo đúng mẫu, ghi đủ thông tin; phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... đúng nội dung.  

d) Kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp tại địa phương.  

1.4. Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”: 

 a) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực bằng nhiều hình thức để người dân biết, thực hiện giám sát. Thực hiện công khai kết quả các chỉ số đánh giá, xếp hạng, phân loại chính quyền cơ sở, công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hàng năm; kết quả xử lý các hành vi, cá nhân, tổ chức tham nhũng; khắc phục các tồn tại về công tác phòng chống tham nhũng của tỉnh, của UBND các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cải thiện lòng tin của người dân đối với công tác phòng chống tham nhũng. 

 b) Tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát tham nhũng để giảm thiểu tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, nhất là trong cung cấp dịch vụ công và lạm dụng công quỹ cho mục đích riêng.  

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách TTHC, thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nâng cao chất lượng phục vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, chống phiền hà sách nhiễu trong lĩnh vực: Y tế, Giáo dục, cấp phép xây dựng, các nội dung liên quan đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị...

 - Tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

 c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức trên địa bàn tỉnh; công khai Kế hoạch, nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức; công khai danh sách thí sinh đăng ký dự tuyển; kết quả điểm thi tuyển, xét tuyển,.... đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra về tuyển dụng công chức, viên chức vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. 

 1.5. Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”. 

 a) Tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết; kịp thời cập nhật, công bố, công khai đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính. Thực hiện niêm yết, công khai TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.

b) Tập trung đổi mới và giám sát bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng như: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cấp giấy phép xây dựng cho người dân, hộ gia đình và tổ chức, doanh nghiệp.  c) Tăng cường công tác kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; nhất là trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho người dân, tổ chức; thực hiện nghiêm việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi hồ sơ trễ hạn; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu. 

 d) Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức đánh giá sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa các cấp.  

đ) Tiếp tục tăng cường số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 và các văn bản chi đạo của UBND tỉnh đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. 

e) Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, trong đó thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ để xây dựng hoặc hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, tích hợp, cung cấp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết, đảm bảo nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. 

1.6. Chỉ số nội dung “cung ứng dịch vụ công”: 

 a) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công lập:  - Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế để góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội;  

- Từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã, bệnh viện tuyến huyện, bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, hiệu quả cao, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho Nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh; đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ y, bác sĩ. 

 b) Cải thiện chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học công lập:  - Cải thiện chất lượng giáo dục các cấp học; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học cho các nhà trường, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;  

- Tiếp tục đầu tư, xây dựng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia ở các cấp học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phẩm chất đạo đức. Thiết lập các kênh thông tin để thường xuyên liên hệ trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh; tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn tỉnh để phân tích, đánh giá và xây dựng các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chỉ số hài lòng trong lĩnh vực giáo dục”. 

 c) Tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản:  

- Nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển KT- XH, phục vụ sinh hoạt của người dân. Thực hiện bê tông hóa các tuyến đường ở nông thôn để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất kinh doanh của người dân. 

- Tiếp tục thực hiện việc cung cấp nước sạch cho người dân theo chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước sạch; thực hiện tốt dịch vụ thu gom, xử lý rác thải, nước thải ở các khu vực, địa bàn dân cư.  
d) Về giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn khu dân cư: 

 - Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hiện các chương trình phối hợp giữa chính quyền cơ sở, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh vững mạnh; thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy; 

 - Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; không để xảy ra các hoạt động tội phạm mới, giảm tội phạm do nguyên nhân xã hội.  

1.7. Chỉ số nội dung “Quản trị môi trường”:  

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân; tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ, tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người (nhất là không khí và nguồn nước sinh hoạt); trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải. 

 b) Ban hành hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường; tăng cường phòng, ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên; 

 - Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; khi tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép các dự án đầu tư vào địa phương phải thực hiện đánh giá tác động đến môi trường; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội khi triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn.  

- Tiếp tục phát huy và nhân rộng các phong trào, mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; nhân rộng mô hình Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường; mô hình tự quản bảo vệ môi trường; mô hình Tổ thu gom và xử lý rác thải; mô hình xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. 

 1.8. Chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”: 

 - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân được biết, tiếp cận và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng, đổi mới giao diện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận, cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là các thông tin về TTHC, dịch vụ công trực tuyến để tăng số lượng, tỷ lệ người dân truy cập, khai thác thông tin Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. 

 - Tăng cường các phương thức tương tác với người dân thông qua các phương tiện truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hoá các hình thức tương tác trực tuyến với người dân phù hợp với điều kiện, phân khúc tiếp cận, trình độ dân trí trên địa bàn tỉnh.  

- Tiếp tục triển khai cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự thuận tiện trong tiếp cận và sử dụng thông tin của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường các hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trực tuyến toàn trình.

 - Tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông, internet băng thông rộng tới các vùng sâu, vùng xa của tỉnh kết hợp với Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ, nhằm tăng số lượng thuê bao và số lượng người sử dụng internet. 

- Đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đủ năng lực để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ triển khai Chính quyền số của tỉnh. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị tại các cơ quan, đơn vị các cấp; trong đó quan tâm nâng cấp, bổ sung trang thiết bị tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa các cấp, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

 2. Tổ chức hội thảo để đánh giá, phân tích các chỉ số và chỉ số thành phần

 - Nội dung: Tổ chức 01 hội thảo trực tiếp tại điểm cầu tỉnh kết hợp trực tuyến đến UBND các cấp để đánh giá, phân tích các chỉ số và chỉ số thành phần đạt được và chưa đạt được trong năm trước. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho năm tiếp theo.

 - Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan. 

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2025.

 3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ  

- Nội dung: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tại cơ sở cho cán bộ, công chức các phòng chuyên môn thuộc UBND các cấp; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể khác; đại diện Cấp Ủy - UBND cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh về hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền địa phương cơ sở. 
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2025.

4. Khảo sát, điều tra lấy ý kiến người dân, công chức trong công tác tuyên truyền nâng cao chỉ số PAPI.

- Nội dung: Tổ chức điều tra, khảo sát lấy ý kiến người dân, công chức trong công tác tuyên truyền nâng cao chỉ số PAPI.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan. 

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2025. 

 NGUỒN KINH PHÍ 

Kinh phí triển khai để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công thuộc ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

BBT( TH)

Tác giả: BBT( TH)

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật