• :
  • :
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Sở khoa học và công nghệ tỉnh Lai Châu
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn viên công đoàn cơ sở đi đầu trong phong trào phát triên kinh tế

Trong những năm qua, phong trào Thi đua yêu nước do công đoàn viên chức tỉnh phát động đã lan tỏa nhiều tấm gương đoàn viên công đoàn tiêu biểu trong học tập, lao động giỏi, lao động sáng tạo... Đây là những hạt nhân, là đầu tàu trong phong trào thi đua, tạo nên khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất, công tác và học tập.

 

Ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở Sở Khoa học và Công nghệ, với sự say mê, quyết tâm anh Trần Văn Thành đã đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế với mô hình nuôi ong rừng lấy mật.

Nhận thấy mô hình nuôi Ong rừng lấy mật có hiệu quả kinh tế cao anh Thành đã bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để chăn nuôi. Năm 2021, khi mới khởi nghiệp, anh Thành đã đầu tư mua 05 thùng Ong rừng về nuôi để lấy mật. Ban đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong rừng, nên các thùng Ong rừng của gia đình anh kém hiệu quả, một số thùng ong đã bỏ đi, nên thu nhập không đáng được là bao. Không nản chí, anh tiếp tục tìm tòi học hỏi trên sách báo, mạng internet và học hỏi kinh nghiệm nuôi ong rừng của anh Mai Văn Tùng – người đã truyền lửa đam mê và trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong rừng cho anh Thành. Từ đó anh đã xây dựng được mô hình nuôi Ong rừng của gia đình anh ngày càng phát triển.

Anh Thành cho biết, để chăm sóc đàn Ong khoẻ mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự chăm chỉ, cẩn thận của người nuôi. Phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng Ong luôn khô ráo, sạch sẽ; Trong quá trình kiểm tra đàn Ong cần mặc đồ bảo hộ (áo có mũ lưới phía trước để nhìn hoặc quan sát được ong, đeo găng tay và đi ủng) để tránh bị ong đốt, thao tác hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận không hoặc hạn chế làm chết ong, nếu làm chết ong thì đàn ong sẽ nổi giận và tấn công người đang ở gần đàn ong; Người nuôi ong rừng phải am hiểu tập tính của Ong rừng, biết và nhận dạng được một số loại bệnh quan trọng mà ong rừng thường hay mắc phải, đồng thời nhận định được nguồn thức ăn ngoài tự nhiên như thế nào để bổ sung thức ăn kịp thời cho đàn ong phát triển ổn định. Song song với đó, cần có biện pháp chống nóng, chống rét thích hợp cho đàn Ong đối với từng thời điểm thời tiết.

Ngoài ra, muốn cho đàn Ong phát triển tốt, người nuôi phải biết kỹ thuật tách đàn, tạo Ong chúa, lấy mật đúng thời điểm. Hiện nay, trại nuôi ong rừng lấy mật của anh Thành đang nuôi khoảng 30 đàn Ong rừng để lấy mật, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Đồng chí Trần Văn Tuấn - Chủ tịch công đoàn cơ sở Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “ Mô hình nuôi ong rừng lấy mật của đồng chí Thành là một mô hình đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế do công đoàn viên chức tỉnh phát động và bước đầu cho hiệu quả. Đây là mô hình khẳng định hiệu quả trong đổi mới nội dung và phương thức vận động của các cấp. Phong trào thực sự là động lực mạnh mẽ để CCVC - LĐ vươn lên tự khẳng định vai trò của mình trong xã hội và gia đình. Thời gian tới, Công đoàn cơ sở sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục vận động công chức, viên chức  lao động sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự kiên trì, lòng đam mê, nỗ lực bản thân trong phong trào phát triển kinh tế quy mô hộ gia đình, mô hình nuôi Ong rừng lấy mật của anh Thành đã mang lại thêm nguồn thu nhập ổn địnhcho gia đình, qua đó anh Thành trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của cơ sở. Không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ của cơ quan, mà đoàn viên công đoàn Trần Văn Thành còn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tích cực tham gia các hoạt động phong trào, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi Ong rừng lấy mật cho đoàn viên trong công đoàn.

Duy Khôi


Tin liên quan

Tin nổi bật