Ngày 28/5/2024, tại TP. Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN quốc gia tổ chức lớp tập huấn điều tra thống kê KH&CN năm 2024. Tham dự lớp tập huấn có Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Trần Đắc Hiến, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên và các đại biểu đến từ các bộ, ngành và các Sở KH&CN khu vực miền Bắc.
Quang cảnh lớp tập huấn
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Thông tin KH&CN quốc gia với các đơn vị làm công tác thống kê từ các bộ, ngành và địa phương. Do vây, lớp tập huấn lần này tập trung vào các nội dung: Giới thiệu Phương án điều tra, hướng dẫn điền Phiếu điều tra Hướng dẫn về thủ tục và định mức thanh toán phiếu điều tra; Hướng dẫn phần mềm điều tra trực tuyến; Trao đổi các nội dung về hoạt động thống kê KH&CN.
Phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn, nhắc lại vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thống kê, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Trần Đắc Hiến cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”. Tại Hội nghị thống kê toàn quốc năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh và làm rõ thêm thống kê là tai, là mắt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, theo đó, “tai phải thính, mắt phải tinh”. Như vậy, công tác thống kê được các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm. Công tác thông tin, thống kê có vị trí vô cùng quan trọng trong công tác lãnh đạo và hoạch định chính sách, nếu không có thông tin, thống kê thì việc lãnh đạo và ra quyết định sẽ không được chính xác. Các cuộc điều tra thống kê của Cục thông tin KH&CN quốc gia thực hiện hằng năm đều là những thông tin đầu vào rất quan trọng phục vụ cho việc xếp hạng chỉ số cạnh tranh quốc gia, phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành.
Tuy nhiên, qua thực tiễn theo dõi, tổ chức thực hiện hoạt động thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) những năm vừa qua cho thấy công tác thống kê này chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức và thỏa đáng, nhất là ở địa phương. Nguồn lực, đặc biệt là tài lực và nhân lực, dành cho hoạt động thông tin KH&CN nói chung và hoạt động thống kê KHCN&ĐMST nói riêng vẫn rất khiêm tốn, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu của công tác thông tin KH&CN. Cục trưởng Cục thông tin KH&CN quốc gia cho biết, Cục sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để phối hợp với các sở KH&CN tiến hành các cuộc điều tra thống kê KH&CN&ĐMST của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để có được những số liệu thống kê về thực trạng hoạt động KH&CN&ĐMST của doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là nguồn thông tin đầu vào vô cùng quan trọng phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, qua đó giúp nâng cao vị thế của các sở KH&CN. Cục trưởng tin rằng, nếu các sở KH&CN xây dựng được các bộ dữ liệu về thống kê hoạt động KH&CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh được thu thập, cập nhật thường xuyên để cung cấp cho các lãnh đạo sở, ban, ngành thì vị thế của sở KH&CN sẽ ngày càng quan trọng hơn và dành được sự quan tâm nhiều hơn của tỉnh cho hoạt động KH&CN&ĐMST trên địa bàn.
Lớp tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác thống kê KHCN&ĐMST, tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động này đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách phát triển KH&CN&ĐMST. Dữ liệu thống kê KHCN&ĐMST thu thập nhằm đáp ứng các yêu cầu: Đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng thay đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược về các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiện trạng tiềm lực KH&CN trên phạm vi cả nước; Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách về phát triển KH&CN, Luật Khoa học và Công nghệ, các kế hoạch, chương trình về KH&CN; Phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu thống kê KH&CN; Xây dựng cơ sở dữ liệu về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, tiềm lực KH&CN của Việt Nam; Phục vụ tính toán các chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), phục vụ đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH, Chiến lược phát triển KH&CN... Hiện nay, điều tra thống kê là một trong những kênh thu thập thông tin quan trọng bên cạnh chế độ báo cáo thống kê và hồ sơ hành chính.