Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 6 chương, 63 điều; Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008.
Chương I: Những quy định chung
Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Phân loại bệnh truyền nhiễm; Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm và những hành vi bị nghiêm cấm.
Phân loại bệnh truyền nhiễm: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã phân loại bệnh truyền nhiễm thành 3 nhóm và nêu tên cụ thể của từng bệnh truyền nhiễm trong các nhóm. Đây là quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, giúp nhân dân biết để từ đó xây dựng ý thức về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc phân loại cụ thể bệnh truyền nhiễm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc lựa chọn các biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm và chống dịch phù hợp với từng loại bệnh dịch.
Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Luật đã quy định 4 nguyên tắc cơ bản làm “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ nội dung Luật, đó là: “Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống truyền nhiễm; Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào trong các chương trình phát triển KT – XH. Công khai, chính xác, kịp thời các thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch”.
Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Luật đã quy định một số chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm như ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng; Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vacxin, sinh phẩm y tế; Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm…
Chương II: Phòng bệnh truyền nhiễm
Quy định về phòng bệnh truyền nhiễm gồm:
– Thông tin – giáo dục – truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
– Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm;
– Giám sát bệnh truyền nhiễm;
– An toàn sinh học trong xét nghiệm;
– Sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế phòng bệnh;
– Phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương III: Kiểm dịch y tế biên giới
Quy định về đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới, nội dung kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.
Chương này được xây dựng trên cơ sở pháp điển hóa các quy định của Nghị định số 41 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ kiểm dịch y tế biên giới và Điều lệ y tế quốc tế năm 2005 mà Việt Nam là thành viên tham gia phê chuẩn. Nội dung của chương này tập trung vào một số quy định nhằm ngăn chặn nguồn bệnh truyền nhiễm lây từ nước ngoài vào Việt Nam như bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả các hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam; Kiểm tra y tế đối với các trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch và xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch. Trong đó đáng chú ý là quy định cho phép cơ quan kiểm dịch y tế biên giới áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly trong trường hợp hành khách, hàng hóa, phương tiện vận tải có dấu hiệu mang mầm bệnh thuộc nhóm A không thực hiện yêu cầu cách ly để kiểm tra y tế.
Chương IV: Chống dịch
Công bố dịch gồm 4 điều, bao gồm các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch; Nội dung công bố dịch; Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch; Đưa tin về tình hình dịch.
Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bao gồm các quy định về nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch; Thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch; Đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch.
Các biện pháp chống dịch bao gồm các quy định về thành phần Ban chỉ đạo chống dịch; Khai báo, báo cáo dịch; Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức cách ly y tế; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Các biện pháp bảo vệ cá nhân; Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A; Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch; Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch và hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.
Về công bố dịch, Luật quy định mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố nhưng để tránh tình trạng công bố dịch không chính xác, gây hoang mang cho nhân dân và ảnh hưởng đến sự phát triển KT – XH, Luật cũng quy định rất cụ thể về thẩm quyền công bố dịch, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch. Bên cạnh đó, về bản chất của việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch cũng là một hình thức công bôæ dịch nhưng do đặc thù của tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt để khống chế dịch, hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại về người và tài sản cho Nhà nước và nhân dân nên Luật đã tách việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thành một mục riêng.
Về các biện pháp chống dịch, Luật quy định về việc áp dụng các biện pháp có tính cưỡng chế cao nhằm hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của dịch bệnh như kiểm soát ra, vào vùng có dịch, tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch và hạn chế tập trng đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Chương V: Các điều kiện bảo đảm để thực hiện phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm các quy định về cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch; Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch và quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch.
Nội dung của chương trình này tập trung vào việc quy định về các nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các chế độ, chính sách đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm… đặc biệt là quy xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đối với trường hợp dũng cảm cứu người trong khi tham gia chống dịch mà chết hoặc bị thương.