Nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và công chức, viên chức Sở nên có thể khẳng định những kết quả đạt sau một nhiệm kỳ nhìn lại của Sở Khoa học và Công nghệ là rất đáng trân trọng.
Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Đảng bộ đã lãnh đạo cơ quan thực hiện toàn diện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả nổi bật như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành 35 văn bản về công tác quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công tác khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hằng năm tổ chức các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong nhiệm kỳ tổng hợp trên 200 đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, 39 nhiệm vụ được UBND tỉnh phê duyệt, 10 nhiệm vụ được Bộ KH&CN phê duyệt. Tổ chức triển khai và quản lý 43 đề tài, dự án (33 đề tài, dự án cấp tỉnh, 10 dự án cấp quốc gia). Lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn: 11 đề tài, chiếm (25,6%). Các đề tài nghiên cứu các vấn đề kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể của 13 dân tộc, thực trạng phụ nữ xuất cảnh trái phép, đánh giá thực trạng cơ chế chính sách đặc thù thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào tỉnh Lai Châu, nghiên cứu biên soạn Địa chí tỉnh Lai Châu, các mô hình du lịch cộng đồng, hôn nhân cận huyết và tảo hôn, chuỗi giá trị của các hàng hóa nông sản, biên soạn bộ chữ viết của dân tộc Hà Nhì, thực trạng an sinh xã hội và các hủ tục đang tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả đã cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ việc xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: 30 đề tài, dự án (chiếm 69,8%) tập trung vào các vấn đề về giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc một số loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung như cây ăn quả lê, đào; khoai sọ Nậm Khao; lúa Séng Cù, Tả Cù, Khẩu Hốc, Nếp Tan Co Giàng, Tẻ Râu, Khẩu Ký; Chè chất lượng cao; Mắc ca; nuôi cá tầm thương phẩm và trứng cá tầm muối; thử nghiệm một số giống lúa, ngô chịu lạnh chịu hạn…. Đặc biệt khảo nghiệm trồng cây Sâm Lai Châu, Tam Thất Hoang, Đỗ trọng, bảy lá một hoa, Lan Kim Tuyến, Khôi Nhung… Trong các năm qua trên 1.600 lượt người dân trong tỉnh được tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông qua các nhiệm vụ KH&CN đã xây dựng 70 mô hình với diện tích trên 300 ha. Kết quả các mô hình ứng dụng tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh có năng suất tăng từ 30% so với sản xuất đại trà, nhận thức người dân có chuyển biến tích cực.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: 02 đề tài (chiếm 4,6%). Đề tài nghiên cứu về đánh giá chất lượng đất làm cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý cột mốc tuyến biên giới Việt-Trung. Bước đầu các đề tài được đánh giá rất thiết thực.
Về hoạt động Sở hữu trí tuệ: Đảng uỷ đã lãnh đạo cơ quan tập trung triển khai công tác sở hữu trí tuệ, qua đó đã xây dựng và xác lập 06 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản (gạo Séng Cù, gạo Tẻ Râu, gạo Khẩu Ký, gạo Nếp Tan Co Giàng, chè Tam Đường, chè Tân Uyên), đây cũng là kết quả từ các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, cấp nhà nước. Ngoài ra, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 15 tổ chức, cá nhân cho các sản phẩm rượu, nước lọc, vật liệu xây dựng, dịch vụ cung cấp nước, chuối, hoa, bánh, thổ cẩm, cá.
Công tác hỗ trợ, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp cũng được quan tâm. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức 03 hội đồng thẩm định, xét duyệt hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị gồm “Máy ép gạch Tezzazo Ht OP5” của Công ty Thương mại và Xây dựng Quốc Tuấn, “Dây chuyền công nghệ sản xuất tôn 1 tầng 11 sóng và máy chấn góc Phú Sơn” của Công ty Phát triển công nghiệp và thương mại Thủy Nam, “Ứng dụng và đổi mới công nghệ chế biến chè xanh thành phẩm” của Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng/doanh nghiệp. Sau khi đổi mới công nghệ năng suất lao động của doanh nghiệp cao hơn hẳn so với trước, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Cụ thể: sau khi ứng dụng dây chuyền máy ép gạch Tezzazo HtOP5, góp phần kiểm soát chất lượng gạch ép và tăng 30% giá trị gia tăng của sản phẩm; dây chuyền công nghệ sản xuất tôn 1 tầng 11 sóng và máy chấn góc Phú Sơn cho năng suất sản phẩm đã tăng từ 80 nghìn m2/năm lên 150 nghìn m2/năm.
Về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Kiểm tra phương tiện đo (đồng hồ đo nước lạnh, đồng hồ đo đếm điện năng) cho 400 lượt doanh nghiệp, cá nhân có kiến nghị sai số. Hướng dẫn 23 lượt doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, hướng dẫn hồ sơ cấp mã số mã vạch cho 28 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ có 04 doanh nghiệp tham dự và đạt giải thưởng chất lượng Quốc gia (năm 2016 và 2018 Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường; năm 2017 Công ty Cổ phần Bê tông, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lai Châu).
Tổ chức 21 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đo lường đối với đồng hồ Taximet, đồng hồ đo nước lạnh, phương tiện đo điện, mặt hàng xăng dầu. 12 cuộc thanh tra đối với 102 cơ sở (tổ chức, cá nhân). Qua thanh tra đã nhắc nhở rút kinh nghiệm đối với 63 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở với tổng số tiền 6,5 triệu đồng.
Về hoạt động thông tin, ứng dụng và chuyển giao công nghệ và kiểm định phương tiện đo: Đã thực hiện duy trì, nhân rộng sản xuất nấm các loại (nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm), tiếp nhận kỹ thuật nuôi cấy mô cây Lan kim tuyến; xuất bản ấn phẩm thông tin KH&CN; Thực hiện 10 cuộc điều tra thống kê KH&CN; kiểm định 9.523 phương tiên đo các loại.
Về lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng: Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ đã đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chỉ thị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp trên tới 100% đảng viên và trên 98% CCVCLĐ, đặc biệt là quán triệt sâu sắc Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIII, các nội dụng cơ bản Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các chỉ thị, đề án, kết luận của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Qua đó đã góp phần làm cho đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc, đúng đắn về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thống nhất trong hành động, biến những chủ trương, chính sách thành những hành động thiết thực.
Về công tác lãnh đạo tổ chức, cán bộ: Đảng bộ đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy; lãnh đạo cơ quan chủ động kiện toàn một số các phòng, đầu mối bên trong của Sở Khoa học và Công nghệ đảm bảo rõ chức năng, không chồng chéo, lãnh đạo đổi mới tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả đã sáp nhập 03 đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ thành 01 đơn vị sự nghiệp, sáp nhập phòng Kế hoạch Tài chính về Văn phòng Sở và giải thể 03 phòng chuyên môn thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Sau khi sắp xếp, cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, bước đầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó Đảng bộ Sở đã lãnh đạo tổ chức công đoàn, chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai các phong trào gắn với nhiệm vụ chuyên môn, một số nội dung bước đầu vào chiều sâu, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành; trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của đảng viên được nâng lên; công tác quản lý đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.

Ghi nhận những thành tích của công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ trong quá trình nỗ lực phấn đấu; 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ; Tỉnh uỷ-HĐND-UBND tỉnh đã tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trên các mặt công tác.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và công chức, viên chức, đảng viên Sở KH&CN có thể tự hào về những kết quả đạt được bằng sự nổ lực cố gắng, bằng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Tuy vậy, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ Sở KH&CN trong nhiệm kỳ tới còn rất nặng nề. Đại hội Đảng bộ Sở KH&CN lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ dự kiến diễn ra trong thời gian tới, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng bộ trong năm 2020. Với chủ đề “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn đảng bộ, đổi mới, sáng tạo và phát triển, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ”, tin rằng Đại hội chính là điểm nhấn quan trọng nhất trong việc thể hiện quyết tâm lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao của Sở Khoa học và Công nghệ.
BBT