Chiều ngày 18/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Sâm Lai Châu – Tiềm năng và định hướng phát triển”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tại Việt Nam.

Dự Hội thảo, về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hợp tác xã, hộ gia đình trồng sâm trên địa bàn tỉnh…
Đại biểu mời có các đồng chí: Nguyễn Vũ Tùng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc; các giáo sư Hàn Quốc là lãnh đạo công ty sâm, giảng viên đại học (tham dự trực tuyến).
Lai Châu có diện tích rừng là 453.520,3ha chiếm 50% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều cánh rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đang dạng về loài. Đặc biệt, có nhiều lâm sản tự nhiên quý hiếm, nhất là dược liệu, trong đó gồm cả cây sâm.
Sâm Lai Châu thuộc chi Nhân Sâm, họ ngũ gia bì có tên gọi khác là Tam thất Mường Tè;Tam thất đen phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận, dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường với thành phố Lai Châu. Loại cây này có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với Sâm Ngọc Linh khoảng 20%. Tuy nhiên, sâm Lai Châu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tự phát. Chưa hình thành các khu sản xuất tập trung. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, khai thác và chế biến cây sâm chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng.

Trước những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức để Sâm Lai Châu phát triển trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh Lai Châu đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu về Sâm Lai Châu cấp tỉnh và 1 đề tài cấp bộ; ban hành nhiểu Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030… Đến nay, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng sâm là 3,68ha của doanh nghiệp, người dân tự trồng, nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ.
Với việc tổ chức Hội thảo khoa học “Sâm Lai Châu – Tiềm năng và định hướng phát triển” là cơ hội để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học và đơn vị đầu tư liên kết, chung tay bảo tồn nguồn gen, sản xuất, khai thác bền vững và chết biến có hiệu quả sâm Lai Châu.
Tại Hội thảo khoa học, các chuyên gia về sâm Hàn Quốc, đại diện các đơn vị chuyên môn trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp tham gia trồng sâm thông tin, chia sẻ, đề xuất một số giải pháp mở rộng phát triển cây sâm tại Lai Châu. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc tư vấn kết nối hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu về sâm của Hàn Quốc cùng tư vấn chiến lược về chính sách phát triển sâm Lai Châu, tư vấn về quy trình nuôi trồng, chế biến sâm, hỗ trợ kỹ thuật và từng bước chuyển giao công nghệ sâm tiên tiến của Hàn Quốc, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cây Sâm Lai Châu.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, UBND tỉnh Lai Châu mong muốn các nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hợp tác xã và các hộ gia đình trồng cây sâm tiếp tục quan tâm để phát triển cây Sâm Lai Châu trở thành cây dược liệu chủ lực của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ phải hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp mạnh; ngoài bỏ vốn, bỏ giống, bỏ công sức thì các doanh nghiệp phải coi trọng yếu tố khoa học, công nghệ trong trồng và phát triển loài cây này. Cần kết nối, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển trong lĩnh vực trồng, chế biến cây Sâm Lai Châu. Cùng với đó, chú trọng xây dựng vườn bảo tồn, vườn giống gốc và cơ sở sản xuất giống; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận cho Sâm Lai Châu hình thành các thương hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị cho các sản phẩm của sâm. Đồng chí đồng ý thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu.
Khẳng định, tỉnh Lai Châu và các huyện sẽ cam kết hỗ trợ, ủng hộ các doanh nghiệp bằng cách quy hoạch vùng trồng, bằng cơ chế, chính sách, bằng việc kết nối với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như chuyển giao khoa học, công nghệ. Đồng thời, đề nghị các Bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ và chuyển giao bằng bảo hộ cây sâm cho tỉnh Lai châu từ đó xây dựng các phương án phối hợp nhằm phát triển cây sâm; đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về cây Sâm Lai Châu; ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, HTX, hộ dân trồng sâm và điều kiện cụ thể về khí hậu, thổ nhưỡng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các sở, ngành, UBND huyện tiếp tục đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh các định hướng phát triển cây Sâm Lai Châu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề xuất với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội VKBIA sẽ giúp Hiệp hội Doanh nghiệp Sâm Lai Châu kết nối, ký kết với Hiệp hội của Hàn Quốc, từ đó hình thành nên các doanh nghiệp liên doanh, hoặc các công ty cổ phần, qua đó giúp doanh nghiệp Lai Châu học hỏi kinh nghiệm của doanh nghiệp nước bạn và ngày càng phát triển. Đồng thời đề nghị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc giúp cho tỉnh Lai Châu ký biên bản hợp tác trao đổi kinh nghiệm chung trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp với 1 tỉnh, thành phố của Hàn Quốc, để giúp tỉnh có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nhất là học hỏi về trồng sâm.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết giữa doanh nghiệp trồng sâm tỉnh Lai Châu và Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tại Việt Nam và trao chứng nhận Hội viên VKBIA cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tin, ảnh: Thanh Huyền