Sáng 28/09 tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu, phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đường tổ chức Hội nghị đánh giá mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap trong dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng, chế biến bột cây dong riềng chất lượng cao và xây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư”. Dự Hội nghị, có đại diện Lãnh đạo sở Khoa học và công nghệ, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tam Đường, đại điện lãnh đạo xã Bình Lư cùng các hộ tham gia mô hình và sản xuất miến dong tại địa phương.
Tham gia mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap, ngay từ tháng 3/2021 các hộ đã được đào tạo tập huấn về kỹ thuật canh tác dong riềng theo hướng VietGap, được cấp củ giống dong riềng đỏ đạt tiêu chuẩn củ giống tốt, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng dong riềng… trước khi tiến hành trồng dong riềng. Đây là một nội dung thuộc dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng, chế biến bột cây dong riềng chất lượng cao và xây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư” được thực hiện từ năm 2019-2022. Mục tiêu của dự án gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng dong riêng năng suất theo hướng VietGap; Hoàn thiện và chuyển giao quy trình chế biến bột dong riềng chất lượng cao; Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Miến dong Bình Lư”; Đào tạo tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các hộ dân. Theo đánh giá, mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap, được triển khai thực hiện với diện tích 5ha với 16 hộ tham gia tại các bản: Thống Nhất, Hoa Vân, Thèn Thầu, Km2 và Tòong Pẳn. Năng suất trung bình qua khảo sát đạt 60 – 65 tấn/ha, hàm lượng tinh bột từ 12-16%. Đến nay, diện tích dong riềng phát triển tốt, người dân nắm được kỹ thuật canh tác theo hướng VietGap, sản phẩm miến dong Bình Lư được cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tháng 11/2021.

Trước đó các đại biểu đã thăm quan mô hình trồng dong riềng tại bản Hoa Vân, xã Bình Lư, huyện Tam Đường./.
Quốc Huy