Nhằm đẩy mạnh gắn kết khoa học công nghệ với các doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tăng cương triển khai các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản; xây dựng mô hình, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên nông thôn.
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhiều tiến bộ KHKT được áp dụng vào sản xuất, an ninh lương thực được đảm bảo; đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Diện mạo vùng nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới với cơ sở hạ tầng được đầu tư đến từng thôn bản thuận lợi cho bà con sinh hoạt, sản xuất. Đời sống vật chất tinh thần Nhân dân ngày càng được nâng lên, đến nay có 35 xã đạt 19 tiêu chí, bình quân đạt 14,49 tiêu chí nông thôn mới/xã; 10 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 39 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 10 xã đạt từ 5-9 tiêu chí 10 xã; thành phố Lai Châu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Có được kết quả kể trên là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng người dân góp công, góp sức, tiền của cùng chung sức thực hiện. Trong đó, có vai trò không nhỏ của việc tăng cường công tác triển khai chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010-2019, Sở đã triển khai thực hiện gần 100 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, 13 nhiệm vụ cấp quốc gia tập trung lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên. Các lĩnh vực này góp phần ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu bảo tồn văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, quản lý môi trường…
Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho biết: “Những năm qua, Sở luôn bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai khoa học công nghệ. Phối hợp với Sở Nông nghiệp trong tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương. Chú trọng vào xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho một số hàng hóa nông sản có thế mạnh của địa phương như: lúa, chè chất lượng cao… Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đề án phát triển cây chè, mắc ca, quế, dược liệu; xử lý môi trường nông thôn, nông nghiêp”.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung vào phục tráng một số giống lúa bản địa, tạo vùng lúa đặc sản tập trung sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm như: tẻ râu, séng cù, khẩu ký, nếp tan co giàng… Cùng với đó, sản xuất chè an toàn, chè chất lượng cao, chè Vietgap gắn với xây dựng nhãn hiệu cho chè Tam Đường, Tân Uyên; phát triển cây dược liệu như: actiso, tam thất hoang, cây óc chó, sơn tra. Đồng thời, thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi mới trên địa bàn như: cây mắc ca, cá hồi, cá tầm; giống lúa, ngô chịu lạnh chịu hạn và một số cây lương thực, rau màu trồng tại các vùng đất bán ngập thủy điện.
Để giúp bà con canh tác, các ngành chuyên môn của tỉnh phối hợp các huyện, Thành phố chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, vật tư phân bó, kỹ thuật nuôi trồng chăm sóc, canh tác trên đất dốc. Lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi (giống cây lượng thực, cây trồng vật nuôi mới phù hợp, cây thức ăn gia súc, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu). Song song với đó, chuyển giao kỹ thuật phù hợp vào sản xuất tại địa phương theo hướng đầu tư thâm canh tăng vụ, nâng cao sản lượng gắn với canh tác bền vững. Qua đó, giúp người dân khai thác tốt lợi thế đất đai, khí hậu tăng thêm thu nhập. Đặc biệt các nhiệm vụ KHCN đã từng bước được gắn với doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, xây dựng nhãn hiệu tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ở lĩnh vực xã hội nhân văn, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn; trong đó tập trung bảo tồn 199 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc: Cống, Dao, Giáy, Hà Nhì, La Hủ, Lào, Lự, Khơ Mú, Mảng, Mông, Si La, Thái. Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với phục dựng các lễ hội tiêu biểu của dân tộc. Cùng với đó, xây dựng nếp sống văn hóa mới, giữ vững an ninh trật tự.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến tới các tổ chức và người dân vùng sâu, vùng xa; đi cùng với đó là hoạt động thư viện điện tử, hoạt động thông tin thị trường. Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý môi trường, lũ lụt phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đặc điểm khí hậu và phân vùng khí tượng phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững. Sản xuất thử nghiệm than Biomass từ lõi ngô, trấu, mùn cưa dùng trong sinh hoạt hay ứng dụng bếp đun tiết kiệm nguyên liệu cho người dân khu vực tái định cư. Các hoạt động này giúp người dân, tổ chức, cá nhân tiếp cận công nghệ khoa học mới, kịp thời ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tập trung vào tuyển chọn và đưa vào một số cây trồng, vật nuôi mới có triển vọng, phục tráng giống cây, con bản địa có giá trị theo hướng hàng hóa. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa quả cao cấp; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tạo dựng thương hiệu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả vốn rừng hiện có đặc biệt là gây trồng giống cây trồng dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao”, Tiến sỹ Dương Đình Đức – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh chia sẻ thêm.
Tùng Phương