Những năm qua, huyện Than Uyên luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) ứng dụng vào trong thực tiễn ở các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm năng suất, chất lượng cao được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 2017 tại Hợp tác xã Minh Thuận (xã Phúc Than). Dự án có kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học và vốn đối ứng của Hợp tác xã. Đến nay, dự án đã kết thúc và Hợp tác xã Minh Thuận xây dựng thành công mô hình sản xuất lợn giống quy mô 500 con giống/năm; nuôi lợn thương phẩm đạt 20 tấn thịt lợn thương phẩm chất lượng/năm. Hiện nay, Hợp tác xã đang duy trì chăn nuôi sản xuất và cung ứng lợn con nuôi thương phẩm, lợn thương phẩm cho các trang trại nuôi lợn thương phẩm và người dân trong vùng. Đây cũng là mô hình điển hình cho Nhân dân trong và ngoài huyện đến thăm quan, học tập, cung cấp cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm chất lượng cao.
Bà Tô Thị Bắc – Giám đốc Hợp tác xã Minh Thuận chia sẻ: “Tổng đàn lợn trong trang trại là 391 con, trong đó có 50 con lợn nái sinh sản, 3 lợn đực, 93 con lợn chưa cai sữa, 85 con lợn mới cai sữa, lợn từ 60-90kg là 51 con… Để bảo vệ đàn lợn, tôi chú trọng tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tăng sức đề kháng cho lợn mẹ và lợn thương phẩm. Ngoài ra, trang trại được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi nên đàn lợn không bị dịch tả lợn Châu Phi. Trang trại luôn được các đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đến thăm quan, học hỏi và tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cung cấp con giống tốt nhất giúp người chăn nuôi áp dụng làm ăn có hiệu quả”.
Xuất phát từ ý tưởng tại các sân trường, sân nhà, đường bê tông chưa có máy móc thực hiện công tác vệ sinh mà con người phải trực tiếp thực hiện gây mất nhiều thời gian và nhân lực. Em Lò Thị Linh lớp 8A5, Trường THCS xã Mường Kim đã nghiên cứu, chế tạo máy thu rác trên sân, trên đường nhằm giúp con người trong việc vệ sinh môi trường, thu gom tác nhanh chóng, thuận tiện không tốn công sức. Máy không cần nhiên liệu mà chỉ dựa trên lực đẩy với hệ thống quét rác gồm 4 chổi quét đặt chế độ nghiêng để hút rác lên và chổi ngang tiếp tục lấy rác vào thùng. Bộ phận đóng ngắt chế độ quét và phanh giúp máy di chuyển trên đường dễ dàng và an toàn.
Tác giả Lò Thị Linh chia sẻ: “Chúng em tận dụng phế liệu từ nhông, xích, đĩa hỏng xe máy, các chổi quét màng nhện trong gia đình với giá thành làm ra một máy là 500 nghìn đồng. Máy hoạt động khi dùng lực đẩy làm bánh xe quay kéo theo hệ thống biến đổi chuyển động làm tăng số vòng quay của các chổi quét rác; các chổi này đặt nghiêng để hút rác lên và chổi ngang tiếp tục đẩy rác vào thùng. Dự án nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác trên sân trường, sân đường, giảm thiểu thời gian lao động của học sinh và giành thời gian cho việc học. Dự án của chúng em giúp học sinh tập làm quen với công tác nghiên cứu khoa học; kích thích lòng đam mê, sáng tạo, hăng say nghiên cứu khoa học kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn của học sinh”.
Để triển khai, khuyến khích việc nghiên cứu KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, huyện Than Uyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển KHCN trong cuộc sống và phát triển kinh tế. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát triển, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các thành tựu KHCN trên các lĩnh vực, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất bằng ứng dụng công nghệ sinh học có lợi thế của địa phương để có những sản phẩm, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống cho Nhân dân. Đồng thời, áp dụng công nghệ sinh học, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trong huyện.
Ngoài ra, huyện còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở, người dân về ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất với hình thức: hội thảo, thăm quan mô hình… Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên kết sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhất là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản xuất. Hướng dẫn cho doanh nghiệp trên địa bàn đang sản xuất, chế biến sản phẩm như: vật liệu xây dựng, chạm khắc thủ công mỹ nghệ, may dân dụng, thêu ren áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch hơn.
Anh Lò Văn Hương – Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Trong phát triển kinh tế nhất là sản xuất nông nghiệp việc áp dụng KHCN là yếu tố quan trọng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Do vậy, huyện luôn quan tâm triển khai ứng dụng KHCN vào sản xuất phát triển kinh tế điển hình như xây dựng thành công thương hiệu gạo Séng cù Than Uyên và tiếp tục xây dựng một số sản phẩm thương hiệu như: gạo nếp Tan Pỏm của Tà Hừa, ổi của Hua Nà, cá lòng hồ thủy điện Huội Quảng-Bản Chát…. Tuy nhiên số lượng, mô hình hiện nay chưa được nhiều, nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện nhận thức của cán bộ, người dân đưa Khoa học vào sản xuất chưa được cao. Khắc phục việc này ngoài việc sản xuất nói chung cần áp dụng KHCN vào để có chất lượng tốt nhất và quảng bá sản phẩm ra thị trường đảm bảo giá trị thương hiệu và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chủ lực của huyện”.
Năm 2019, Hội đồng KHCN huyện đã chấm xét 252 sáng kiến kinh nghiệm, đã đề nghị UBND huyện công nhận 166 sáng kiến cấp huyện, trình 30 sáng kiến đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh (có 14 sáng kiến được công nhận). Lĩnh vực trồng trọt đã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp bằng cây bưởi da xanh và cây mít thái tại xã Mường Mít quy mô 5ha/50 hộ; trồng thử nghiệm 45ha lúa LH12, QR15; dự án đào chín sớm 12,47ha tại xã Tà Mung, Khoen On; trồng cỏ VA06 với quy mô 21ha. Lĩnh vực giáo dục đào tạo có 166/252 sáng kiến được cấp huyện công nhận, 14/30 sáng kiến kinh nghiệm được tỉnh công nhận…
Có thể khẳng định, từ việc đẩy mạnh nghiên cứu KHCN ứng dụng vào thực tiễn trên địa bàn huyện Than Uyên đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từng bước hội nhập kinh tế thị trường.
Tùng Phương